Diễn ra vào ngày 08/10, Diễn đàn Hội nhập Kinh tế, Văn hoá Quốc tế 2022 do Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á tổ chức sẽ ghi nhận các ý kiến của đại biểu về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ... Đây sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.
Sáng 08/10, tại Nhà Quốc hội, diễn ra chương trình gặp mặt giữa các đại biểu Quốc hội khoá XV với các đơn vị, cá nhân tiêu biểu của Diễn đàn Hội nhập Kinh tế, Văn hoá Quốc tế 2022 với chủ đề “Chủ động – Đổi mới – Sáng tạo – Hiệu quả” và “Văn hoá bản sắc hội nhập”. Tham dự và chủ trì buổi gặp mặt có ông Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – Uỷ viên Thương trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội; bà Dương Thị Tình Thương – Phó Vụ trưởng Vụ Đại biểu, Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Tiến sĩ Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT).
Đại biểu Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Văn hoá Quốc tế
Trong khuôn khổ chương trình, TS. Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện SEAFIT đã trình bày với các Đại biểu Quốc hội khoá XV về hoạt động của Viện và của Chương trình trong việc thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích thực hiện phát triển giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, bảo tồn, quảng bá và phát huy nét đẹp, giá trị Văn hoá Việt Nam trong phạm vi khu vực và quốc tế. Những kết quả mà hai cơ quan đã đạt được trong hoạt động chuyên môn tuy còn khiêm tốn nhưng là thành quả từ những nỗ lực do toàn thể cán bộ, nhân viên và các hội viên, thành viên của Viện là những doanh nghiệp, doanh nhân, lương y – thầy thuốc, nghệ nhân các nhà hoạt động văn hoá đã đồng tâm thực hiện.
Tiến Sĩ Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng SEAFIT phát biểu khai mạc diễn đàn
Cũng nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 – 13/10/2022), Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển tổ chức chương trình “Diễn đàn hội nhập kinh tế, văn hoá quốc tế” nhằm liên kết các doanh nghiệp, doanh nhân, lương y, nghệ nhân có tâm, có tầm và những sáng kiến, các giải pháp hiệu quả cùng nhau xây dựng thương hiệu mạnh ở tầm quốc gia và quốc tế. Đặc biệt thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn đã góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế về Văn hoá và nét đẹp con người Việt Nam.
Trong chuỗi sự kiện của chương trình, Ban tổ chức đã gặp gỡ và tri ân các tổ chức, cá nhân, tấm gương người tốt việc tốt, những mô hình tốt, cách làm hay trên nhiều lĩnh vực của đời sống cùng những thành tích đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến khoa học kỹ thuật giúp nâng cao nâng cao sản phẩm chất lượng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội và thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các đơn vị cá nhân có mặt tại sự kiện này tuy ở các vùng miền, ngành nghề và lĩnh vực khác nhau nhưng đều có những thành tích đáng được ghi nhận và đáng tự hào trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, các hoạt động nhân đạo từ thiện.
Chương trình được diễn ra trong niềm hân hoan của các cá nhân, tổ chức, đoàn thể và các Đại biểu Quốc hội khoá XV, đây chính là động lực giúp mỗi thành viên tham sự có thêm sức mạnh, động lực và niềm tin để cố gắng phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp, phồn vinh và thịnh vượng.
Trao chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân tiêu biểu
Về phía Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á, “Diễn đàn hội nhập kinh tế, văn hoá quốc tế” cũng là cơ hội để Viện tăng cường và củng cố vị thế của mình trong việc nâng cao trách nhiệm và phát huy giá trị Văn hóa đặc biệt là bảo tồn phát triển các Di sản trong đó có cổ vật Việt Nam. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.
Về kỳ vọng của Ban tổ chức, Diễn đàn Kinh tế, Văn hoá Quốc tế trở thành một địa chỉ uy tín góp phần tôn vin các tổ chức, cá nhân tiêu biểu và đóng góp một ý kiến kịp thời vào chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội, hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của đất nước.