Kinh doanh

HSBC: Việt Nam phát hành 1 tỷ USD nợ 'xanh', phần lớn đến từ vận tải và năng lượng

Tại Việt Nam, tổng giá trị phát hành thị trường vốn mảng nợ xanh, xã hội và bền vững đạt 1,5 tỷ USD, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của HSBC và Climate Bonds về số liệu và xu hướng chính cần nắm bắt nhằm củng cố tài chính bền vững ở khối ASEAN, thị trường vốn nợ bền vững lập kỷ lục về khối lượng phát hành trong năm 2021.

Cụ thể, lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 với lượng phát hành cao kỷ lục đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD trong năm 2020. Nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng này phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch COVID-19 bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp trong dài hạn.

Tại Việt Nam, tổng giá trị phát hành GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liên tiếp. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD.

Các khoản nợ được phân loại nhãn xanh bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh, tiếp tục là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS trong năm 2021.

Trong đó 63,9% các giao dịch GSS từ ASEAN là giao dịch xanh, 35,5% là giao dịch bền vững, tăng 16% so với năm 2020. Tỷ trọng phát hành nợ xã hội trong khu vực còn khá thấp (0,6%) trong năm 2021.

Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam đến từ ngành vận tải và năng lượng.

screenshot-2022-06-20-111412-20220620111

 Mảng nợ xanh của khối ASEAN qua các năm. Nguồn: HSBC

Tòa nhà và năng lượng tiếp tục là mục đích sử dụng nhiều nhất nguồn vốn huy động từ các khoản nợ dán nhãn xanh ở ASEAN. Hai ngành này chiếm 79,5% tổng nguồn vốn huy động từ nợ xanh phát hành tại khu vực ASEAN trong giai đoạn 2016-2021 và nhận được 2/3 nguồn vốn trong năm 2019, tăng lên 79% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, trái phiếu do doanh nghiệp phi tài chính phát hành chiếm tỷ trọng lớn (79%) trong khối lượng giao dịch xanh của ASEAN trong năm 2021, đồng thời trái phiếu chính phủ tiếp tục thống lĩnh thị trường xã hội và bền vững, chiếm 51%.

Nợ liên kết bền vững trong năm 2021 ghi nhận 27,5 tỷ USD trái phiếu liên kết bền vững và khoản vay liên kết bền vững, nhờ vậy vượt qua khối lượng nợ GSS truyền thống. Tổng giá trị thị trường hai loại trên đạt khoảng 39 tỷ USD vào cuối năm 2021, tương đương với giá trị thị trường nợ xanh.

Về các nước khác trong khu vực, Singapore, Thái Lan, Malaysia đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020.

screenshot-2022-06-20-111730-20220620111

 Nguồn: HSBC

Singapore duy trì vị thế dẫn đầu khu vực với giá trị phát hành vốn nợ GSS đạt 13,6 tỷ USD trong năm 2021 so với 4,9 tỷ USD trong năm 2020, phần lớn đến từ các giao dịch xanh và phản ánh sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Singapore dành cho tài chính xanh.

Thái Lan là nguồn phát hành nợ bền vững lớn nhất khu vực với tổng giá trị đạt 5,8 tỷ USD tính tới cuối năm 2021, tương đương 38% của thị trường xã hội và bền vững ASEAN.

Thị trường GSS+ của Malaysia ghi nhận tăng trưởng ba năm liên tiếp, với nhóm bền vững vẫn là công cụ tài chính phổ biến nhất, chiếm khoảng một nửa (51%) tổng thị phần. Thị trường Philippines đã chậm lại trong năm 2021 với tổng nợ GSS đạt 0,9 tỷ USD so với mức 2,3 tỷ USD trong năm 2020.

“Chúng tôi đang tham gia tích cực vào quá trình phát triển thị trường tài chính bền vững cho Việt Nam, trong đó, chúng tôi hỗ trợ khách hàng, ví dụ như Vinpearl, một thành viên của Vingroup, phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup, là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới”, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, Tim Evans, cho hay.

(Theo: http://vietnambiz.vn/hsbc-thi-truong-von-no-ben-vung-lap-ky-luc-ve-khoi-luong-phat-hanh-tai-asean-viet-nam-dat-15-ty-usd-202262011203187.htm)
Cùng chuyên mục

Danh sách ATM BIDV gần đây tại Cần Thơ

Việt Nam sẽ đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long và nông sản xuất khẩu

Khối ngoại xả ròng hơn 600 tỷ đồng trên HOSE phiên VN-Index rơi về mốc 1.180, chưa ngừng gom BSR trên UPCoM

Danh sách ATM BIDV gần đây tại TP Đà Nẵng

Thị trường chứng khoán (20/6): 225 mã giảm sàn, VN-Index rơi gần 37 điểm dưới áp lực bán tháo

Bị nhận xét hướng đi quá mơ hồ, nữ MC truyền hình thử sức với startup giáo dục ra về tay trắng tại Shark Tank

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 5/2022: Dự báo tiếp tục tăng mạnh

Kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng gần gấp đôi trong 5 tháng đầu năm 2022

Giá tiêu xuất khẩu tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2022

Đầu tư chứng khoán chỉ bằng một ly trà sữa: Tititada mang tham vọng tự do tài chính chinh phục giới trẻ