Kinh doanh

Lối mở cho dầu Nga sau lệnh cấm của EU

Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng lệnh cấm phần lớn nhập khẩu dầu sẽ làm tổn thương nền kinh tế Nga. Nhưng theo giới chuyên gia, động thái này đồng thời cũng sẽ đẩy giá dầu lên cao, tác động bất lợi tới đà phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu và tái định hình hoạt động giao dịch dầu trên thế giới.
crawl-20220616215557516.jpg?width=700

Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, LB Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong bối cảnh đó Nga buộc phải tìm hướng thoát hiểm và "lách" qua khe cửa hẹp để không mất đi nguồn thu quý giá từ "vàng đen" hết sức cần thiết cho nền kinh tế đang lao đao bởi các lệnh cấm của phương Tây.

Lệnh cấm dầu mỏ của Nga “mơ hồ” về tính hiệu quả

Châu Âu, Mỹ và đa số phần còn lại của thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm nói trên, vì đà tăng của giá dầu, vốn đã kéo dài nhiều tháng qua, có thể chưa dừng lại khi châu Âu phải tìm mua dầu thay thế ở những nơi xa hơn, khiến chi phí vận chuyển sẽ tăng vì đi đường dài. Họ còn phải cạnh tranh tìm mua nguồn dầu thô có tính chất tương tự dầu Nga, vì phần lớn các nhà máy lọc dầu của EU được thiết kế cho nguồn cung này. Trên thực tế, với lệnh cấm dầu Nga, EU đang chấp nhận đánh đổi một nhà cung cấp "khó đoán" là Nga để tìm tới những nhà xuất khẩu nhiên liệu cũng thiếu ổn định không kém tại Trung Đông.

Các lãnh đạo phương Tây muốn tước đi của Nga hàng tỷ USD doanh thu từ năng lượng với lệnh cấm vận dầu nói trên. EU kỳ vọng lệnh cấm này sẽ buộc các nhà sản xuất dầu Nga phải đóng giếng khoan, khi không có đủ hạ tầng tích trữ dầu trong thời gian tìm khách hàng mới. Tuy nhiên, khả năng thành công của chiến thuật này vẫn rất mơ hồ. Nếu giá dầu tăng mạnh, doanh thu từ năng lượng của Nga sẽ không sụt giảm nghiêm trọng như EU kỳ vọng, ngay cả khi họ mất đi thị trường lớn nhất.

EU vẫn chưa công bố toàn bộ chi tiết trong nỗ lực nhằm cản trở Nga xuất khẩu dầu, nhưng cho biết các chính sách này sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới. Mục đích của việc này là để cho châu Âu có thời gian chuẩn bị, nhưng nó cũng giúp Nga và các đối tác của nước này có thời gian tìm cách khắc phục. Rất khó để đoán được ai sẽ thích ứng tốt hơn với thực tại mới này.

Một kỳ vọng khác của giới lãnh đạo phương Tây là động thái mới của họ sẽ làm giảm vị thế của Nga trong ngành năng lượng toàn cầu. Ý tưởng đưa ra là bất chấp những nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác, Nga nhìn chung sẽ xuất khẩu được ít dầu hơn. Kết quả là các nhà sản xuất dầu của Nga sẽ phải đóng các giếng dầu mà không dễ khởi động trở lại vì những khó khăn trong việc khoan và sản xuất dầu tại các mỏ dầu không thuận lợi ở Bắc Cực.

Thế nhưng, chính sách mới của châu Âu lại là sản phẩm của những sự thỏa hiệp giữa các nước có thể dễ dàng thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga và các nước không dễ phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga hay chưa sẵn sàng cho việc này như Hungary. Đó là lý do vì sao lệnh cấm của EU hiện không áp dụng với 800.000 thùng/ngày nguồn cung dầu từ Nga sang châu Âu qua đường ống.

Châu Âu còn quyết định chỉ thực hiện dần dần những hạn chế trong việc bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga vì tầm quan trọng của ngành vận tải đối với các nước như Hy Lạp và Cyprus. Nhiều chuyên gia cảnh báo những thỏa hiệp như vậy có thể làm giảm hiệu quả của lệnh cấm dầu Nga của EU.

Mặt khác, bất chấp lệnh cấm này, châu Âu có thể vẫn phải phụ thuộc vào khí tự nhiên của Nga thêm một thời gian nữa, có thể là nhiều năm. Điều này có thể giúp Nga bảo toàn phần nào tầm ảnh hưởng của mình, nhất là khi nhu cầu khí đốt tăng mạnh trong mùa Đông. Các nhà lãnh đạo châu Âu có ít lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga hơn, vì các nước cung cấp khí đốt lớn khác như Mỹ, Australia và Qatar không thể tăng mạnh lượng khí đốt xuất khẩu trong ngày một ngày hai được.

Khả năng tái định hình quan hệ năng lượng toàn cầu

Nga còn có các “quân cờ” khác có thể làm giảm hiệu quả của lệnh cấm vận của EU. Trung Quốc là một thị trường ngày càng lớn của Nga. Với tình hình xuất khẩu dầu bằng đường ống từ Nga tới Trung Quốc đã gần chạm ngưỡng tối đa công suất, Trung Quốc vài tháng qua đã mở rộng quy mô nhập khẩu dầu từ Nga bằng tàu biển.

Diễn biến này khiến mối liên kết năng lượng Trung Đông - Trung Quốc thay đổi. Saudi Arabia và Iran đứng trước nguy cơ bị Nga thay thế trong danh sách đối tác nhiên liệu chủ lực của Trung Quốc, còn các nhà xuất khẩu dầu Trung Đông buộc phải giảm giá để cạnh tranh với dầu thô của Nga.

Meghan L. O'Sullivan, Giám đốc dự án địa chính trị năng lượng, Trường Kennedy thuộc Đại học Havard của Mỹ, cho rằng mối quan hệ giữa Nga, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ (Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác) có thể trở nên phức tạp “khi Nga và Saudi Arabia cạnh tranh để xây dựng và duy trì thị phần tại Trung Quốc”.

Tiến sỹ O’Sulliva nhận định: "Nhiều hệ lụy địa chính trị sẽ diễn ra". Chuyên gia này cho rằng lệnh cấm dầu Nga sẽ kéo Mỹ tham gia sâu hơn vào kinh tế năng lượng toàn cầu, và đồng thời củng cố quan hệ năng lượng giữa Nga và Trung Quốc.

Các “ngư ông đắc lợi”

Kể cả khi các quan hệ thương mại năng lượng bị ảnh hưởng, các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) nhìn chung vẫn được hưởng lợi từ xung đột tại châu Âu. Nhiều công ty châu Âu đang “nóng lòng” muốn mua dầu từ Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu dầu của Saudi Arabia đang gia tăng và có thể đạt mức kỷ lục trong năm nay, qua đó nâng thặng dư thương mại của nước này lên hơn 250 tỷ USD, theo Ấn phẩm về kinh tế và dầu khí Trung Đông.

Ấn Độ cũng là một bên hưởng lợi khác vì nước này có các cơ sở lọc dầu lớn có thể xử lý dầu thô của Nga thành dầu diesel, một phần trong số đó lại được xuất sang châu Âu kể cả khi nguyên liệu thô đến từ Nga. Các chuyên gia của công ty RBC Capital Markets nhận định: “Ấn Độ đang trở thành trung tâm lọc dầu thực sự cho châu Âu”.

Nhưng mua dầu diesel từ Ấn Độ sẽ làm gia tăng chi phí tại châu Âu vì việc vận chuyển nhiên liệu từ Ấn Độ sẽ tốn kém hơn là vận chuyển bằng đường ống từ Nga. Vì vậy, các chuyên gia RBC cảnh báo hậu quả không mong muốn của việc này là châu Âu trên thực tế vẫn mua dầu Nga, chỉ là dưới hình thức khác và giá cao hơn. Trong trường hợp này, Ấn Độ là bên thắng.

Ấn Độ hiện nhập khoảng 600.000 thùng dầu từ Nga mỗi ngày, tăng vọt so với mức 90.000 thùng/ngày vào năm ngoái. Nga hiện là nước cung cấp dầu thứ hai cho Ấn Độ sau Iraq.

Kể cả các công ty dầu của phương Tây như Exxon Mobil, BP, Shell và Chevron cũng sẽ được hưởng lợi vì giá dầu tăng. Chỉ có người tiêu dùng và doanh nghiệp khắp thế giới phải gánh mức giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt.

(Theo: http://vietnambiz.vn/loi-mo-cho-dau-nga-sau-lenh-cam-cua-eu-2022616215752326.htm)
Cùng chuyên mục

ABBANK thông báo thay đổi địa điểm Chi nhánh Minh Khai

STRANT AI ĐỊNH HÌNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ

Nhiều cơ hội cho gạo đặc sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Âu

Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn 1 tỷ USD

Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á lãnh thêm 10 năm tù

Quy hoạch hiệu quả, thúc đẩy logistics khu vực ĐBSCL phát triển

Kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản

Nhận định chứng khoán phái sinh phiên 21/6: Lùi về vùng quanh 1.200 điểm để kiểm tra cung cầu

Giám đốc điều hành DHL: Giá cước vận chuyển container có thể không bao giờ giảm xuống mức trước đại dịch

HSG rớt 70% từ đỉnh, HPG mất 22% từ sau cảnh báo của Chủ tịch Trần Đình Long