Thị trường trong nước gặp áp lực chốt lời sau khi không giữ được ngưỡng 1.300 điểm, kể từ mức đáy tháng 5 đây là phiên điều chỉnh giảm mạnh nhất. Dù chỉ số giảm mạnh nhưng thanh khoản thị trường cũng không đạt mức cao nhất trong tuần này.
Độ rộng thị trường cho thấy áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng, chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như dầu khí, thủy sản, phân bón, sản xuất điện,… Trong khi đó, điểm sáng của thị trường vẫn đến từ hoạt động mua ròng từ khối ngoại.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 15.526 tỷ đồng so với mức 11.876 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 13.500 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 561 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 521 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index theo ngày. (Nguồn: KBSV).
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán tuần 13 - 17/6:
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Với diễn biến thận trọng sau khi vượt ngưỡng 1.300 điểm, thị trường đang quay trở lại kiểm tra các tín hiệu hỗ trợ trong vùng giằng co 1.280 - 1.300 điểm của VN-Index. Áp lực chốt lời mạnh diễn ra ở những nhóm tăng mạnh thời gian qua, cùng với sự hạ nhiệt của các nhóm ngành lớn, đang đồng thuận gây khó khăn cho đà hồi phục của thị trường.
Với diễn biến này, dự kiến thị trường sẽ quay trở lại trạng thái phân hóa và giằng co trong vùng 1.270 - 1.300 điểm với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế mua cổ phiếu và theo dõi động thái hỗ trợ của thị trường. Đồng thời nên tận dụng khả năng hồi phục của thị trường để chốt lời và cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.
Chứng khoán BIDV (BSC)
Sau một ngày biến động trong biên độ 10 điểm, VN-Index bị bán mạnh về cuối phiên, kết phiên giảm gần 24 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 18/19 ngành giảm điểm, ngành duy nhất còn giữ được sắc xanh là viễn thông.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Trong những phiên tới, có thể VN-Index có thể sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 1.250 - 1.300.
Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường có tuần điều chỉnh nhẹ gần 4 điểm, tương đương mất 0,3% sau 3 tuần tăng liên tiếp. Phiên giảm này không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh của chứng khoán thế giới khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát tại Mỹ.
Do vậy, nếu không gặp áp lực chốt lời ở các nhóm cổ phiếu vốn đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như: dầu khí, thủy sản, cảng biển, phân bón… thì việc thị trường giảm điểm cũng nằm trong xu hướng chung của chứng khoán thế giới.
Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ mức đáy tháng 5 vừa qua và áp lực giảm trên diện rộng, tuy vậy thanh khoản phiên này vẫn thấp hơn so với mức bình quân ở 3 phiên đầu tuần do nhóm cổ phiếu chịu áp lực bán chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu midcap và smallcap.
Về kỹ thuật, VN-Index sau khi không giữ được ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, có khả năng sẽ dao động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số này trong tuần sau ở 1.250 - 1.260 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau những nỗ lực hồi phục bất thành trong phiên, VN-Index đảo chiều giảm điểm giằng co trước khi lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số có một phiên giảm mạnh cùng thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực của bên bán đang chiếm ưu thế.
VN-Index nhiều khả năng tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới và mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.260 nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại. Sau khi đã chốt lời các vị thế ngắn hạn trong những phiên trước, nhà đầu tư có thể kê mua trở lại quanh vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức thấp.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.