Tuy nhiên hai năm sau, BP đã phải thừa nhận rằng họ có thể đã đánh giá thấp "cơn khát dầu" của thế giới, mặc dù vẫn kiên định với dự báo dài hạn rằng xu hướng điện khí hóa các phương tiện giao thông cuối cùng cũng sẽ khiến nhu cầu dầu giảm xuống.
Trong khi đó, các ngân hàng đầu tư đã nhìn thấy trước xu hướng phục hồi nhu cầu dầu bởi đây là điều phải đến khi người dân ra đường nhiều hơn sau giai đoạn phong tỏa kéo dài. Điều họ không lường được là mức độ và tốc độ phục hồi nhu cầu đó.
Sau khi chạm đáy vào năm 2020 do dịch COVID thì giá dầu thế giới đã chạm mức kỷ lục sau hai năm.
Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, chuyên gia Jeffrey Currie của Goldman Sachs mới đây đã thừa nhận rằng có một sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và nhu cầu thực tế trên thị trường dầu.
Chuyên gia này nói: "Thị trường dầu biến động nhanh hơn và mức độ thắt chặt về cơ bản là sâu hơn những gì chúng tôi nghĩ từ 3-6 tháng trước", ông nói.
"Đây vẫn là những gì đã được dự báo trước nhưng với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Thị trường năng lượng và thực phẩm sẽ chứng kiến sự tăng giá rất mạnh trong những tháng Hè sắp tới”, chuyên gia Currie đang nói thêm.
Có một điều cần lưu ý đó là ngay cả từ 3 đến 6 tháng trước, trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) xảy ra, đã có rất ít chuyên gia tin rằng thị trường dầu trên thực tế sẽ ở trạng thái cân bằng.
Chuyên gia Ed Morse của tập đoàn tài chính Citi là một trong những chuyên gia như vậy. Vào tháng Hai, ông chia sẻ với nhà báo Javier Blas của Bloomberg về dự báo rằng trường dầu mỏ sẽ thậm chí sẽ ở trạng thái dư thừa nhờ sản lượng tăng ở Mỹ, Brazil (Bra-xin) và Canada (Ca-na-đa).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây dự báo sản lượng dầu ở khu vực Permian sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này. Tuy nhiên, điều đó không đủ để bù đắp sự mất cân bằng dầu toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất dầu tại Mỹ cho biết họ không muốn - hoặc không thể thúc đẩy sản xuất vì thiếu hụt các nguồn lực cần thiết.
Tại Canada, sản lượng đang tăng cao. Theo Thủ hiến của bang Alberta, Jason Kenney, tổng sản lượng dầu của cả nước Canada có thể tăng gần 1 triệu thùng/ngày, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra. Tại Brazil, sản lượng cũng đang tăng lên nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo ra được sự khác biệt về giá cả.
Tất nhiên, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu hiện nay là các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, quốc gia xuất khẩu dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Lý do thứ hai là việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không thể sản xuất nhiều như cam kết vì các vấn đề kinh niên của họ.
Trong khi đó, hai thành viên của OPEC có đủ công suất dự phòng để bù đắp lượng dầu bị mất đi của Nga là Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) lại tỏ dè dặt trong việc bơm thêm dầu.
Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên lớn nhất, cũng khó lường nhất với các nhà phân tích, chính là tốc độ phục hồi nhu cầu trở lại. Càng ngạc nhiên hơn khi thị trường phục hồi với tốc độ rất nhanh ngay cả khi giá dầu thế giới đã cao hơn nhiều so với mức trung bình các năm trở lại đây.
Sự đi “chệch hướng” của những yếu tố tưởng như có thể kiểm soát được
Tất nhiên, các phân tích và dự báo được xây dựng dựa trên những giả định có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và khi có sự xuất hiện của yếu tố bất ngờ, các giả định nhanh chóng trở nên vô giá trị.
Trong trường hợp này, yếu tố bất ngờ đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Mặc dù vậy, ngay cả những yếu tố tưởng chừng như rõ ràng trước đó cũng đã tạo ra bất ngờ.
Sản lượng của dầu của Mỹ đã không tăng nhanh hoặc tăng nhiều như một số người mong đợi. Trong khi đó, xu hướng điện khí hóa giao thông gần như không tác động đến nhu cầu dầu bởi quá trình này đang diễn ra chậm hơn rất nhiều so với dự kiến.
Và yếu tố có lẽ quan trọng hơn cả là việc OPEC và các đồng minh (OPEC+) có nhất trí tăng sản lượng dầu để cứu lấy nền kinh tế hay không?
Tất cả điều này đã trở thành yếu tố cần thiết tạo nên một "cơn bão dầu" hoàn hảo, thêm vào đó là sự cố ngừng hoạt động ở mỏ dầu lớn mới nhất tại Libya (Li-bi).
Thông tin mới nhất từ Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, là họ sẽ đưa ra các giới hạn về xuất khẩu. Điều này chắc chắn dẫn đến giảm giá xăng dầu trong nước nhưng đẩy giá quốc tế tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc lại đang tăng cường tích trữ dầu thô trong khi sản lượng từ các nhà máy lọc dầu giảm. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu có phải tích trữ là giải pháp thông minh để đương đầu với cơn bão này hay không?