Sức khỏe

Đánh bay nỗi sợ xấu vì u tuyến giáp

PNO - Các kỹ thuật xử lý khối u, ngoài mục tiêu chữa bệnh, ngày càng được cố gắng đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho bệnh nhân.

 

pncn25-danh-bay-noi-so-xau-_251656037770
Hãy xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp (ảnh minh họa)

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị u tuyến giáp. Tùy tình trạng và kích thước khối u, người bệnh có thể được chỉ định hoặc lựa chọn kỹ thuật can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, vì tuyến giáp nằm ở vị trí dễ nhìn thấy nên các kỹ thuật xử lý khối u, ngoài mục tiêu chữa bệnh, ngày càng cố gắng đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Điều trị bằng sóng cao tần

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Theo tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị u tuyến giáp không xâm lấn. Nếu người dân có ý thức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm/lần thì u tuyến giáp khi phát hiện thường có kích thước nhỏ. Lúc đó, khối u mới chỉ ở dạng nhân tuyến giáp nên việc can thiệp không quá phức tạp.

Bên cạnh việc uống thuốc, với những khối u kích thước nhỏ, bác sĩ không chỉ định mổ mà có thể xử lý bằng sóng cao tần để làm teo khối u. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những ca có u tuyến giáp kích thước từ 3cm trở xuống, trung bình chỉ cần điều trị bằng sóng cao tần khoảng 1-2 tháng; đối với các trường hợp khối u đường kính từ 6cm trở xuống, thời gian điều trị kéo dài khoảng một năm. 

Phẫu thuật u tuyến giáp ít xâm lấn

Theo TS-BS Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nội soi qua đường miệng được coi là giải pháp tối ưu về thẩm mỹ cho bệnh nhân do hoàn toàn không để lại sẹo. Bác sĩ mổ nội soi thông qua một vết rạch nhỏ bên trong môi dưới. Nhờ vậy, sau này, vết rạch sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại sẹo trên bề mặt da của người bệnh. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng không những cho phép can thiệp tuyến giáp mà còn có thể xử lý cả tuyến cận giáp.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng được kỹ thuật này. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng chỉ định với bệnh nhân có nhân giáp lành tính dưới 5cm hoặc cắt bỏ tuyến giáp trong các bệnh lý lành tính. Đối với trường hợp ung thư tuyến giáp thì khối u phải dưới 1cm, bởi nếu khối u to hơn và xâm lấn ra các vùng lân cận thì mổ nội soi sẽ khó lấy sạch được hết những mô bệnh. 

Bên cạnh phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng, còn một phương pháp mổ xâm lấn tối thiểu: nội soi qua ngả nách và quầng vú. Tuy không hoàn toàn không để lại sẹo như nội soi qua đường miệng nhưng nội soi qua ngả nách và quầng vú cũng chỉ để lại dấu tích có kích cỡ như một chấm nhỏ. Vết sẹo này được giấu khéo léo ở vị trí kín đáo trên cơ thể, khi nhìn vẫn không thể biết bệnh nhân đã mổ tuyến giáp, mặt thẩm mỹ cơ bản được đảm bảo. Chỉ định và chống chỉ định của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp qua ngả nách và quầng vú cũng tương tự mổ nội soi tuyến giáp qua đường miệng.

Theo quy trình chung, khi phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng hoặc ngả nách và quầng vú, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Sau ca mổ, bệnh nhân chỉ cần nằm viện theo dõi khoảng 24 giờ, tái khám sau đó một tuần. Theo đánh giá của bác sĩ Phúc, hiệu quả điều trị của mổ nội soi tuyến giáp tương đương với mổ hở theo cách cổ điển.

Hai kỹ thuật nội soi tuyến giáp vừa kể trên rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân, góp phần giải quyết vấn đề quá tải ở những bệnh viện tuyến trên, giảm thiểu chi phí cho người bệnh, thời gian hồi phục nhanh, ít nguy cơ và biến chứng hơn so với mổ hở.

Mổ hở

Với các bệnh lý tuyến giáp phức tạp, chẳng hạn khối u quá lớn, ung thư tuyến giáp có xâm lấn, bắt buộc phải phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở. Mổ hở tuyến giáp là một kỹ thuật cổ điển được thực hiện ở hầu hết các bệnh viện từ trước tới nay. 

Bác sĩ Vỹ lấy ví dụ trường hợp một nữ bệnh nhân có khối u tuyến giáp đường kính 30cm mới được ê-kíp của mình xử lý vào đầu tháng Sáu. Nữ bệnh nhân này bị khối u chèn ép gây lệch trục đường thở, khí quản bị chít hẹp, phù nề và biến dạng các cấu trúc xung quanh. Đoạn hẹp nhất của khí quản bệnh nhân này đường kính chỉ còn 4mm, trong khi ở người bình thường rộng gấp bốn lần. Nếu không được phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao do suy hô hấp. Phương pháp mổ hở cổ điển được thực hiện bằng cách gây mê, đặt nội khí quản rồi rạch một đường ở dưới cổ, bóc tách toàn bộ khối u.

Điểm hạn chế của kỹ thuật mổ hở là nguy cơ gây tổn thương dây thanh quản, dây thần kinh quặt ngược và các cấu trúc quan trọng ở vùng cổ cao hơn so với kỹ thuật nội soi. Nếu không cẩn thận, bệnh nhân có thể mất giọng nói sau ca phẫu thuật. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân trên vô cùng may mắn. Ca mổ diễn ra thành công sau hơn 4 giờ, các chức năng ở vùng cổ không bị ảnh hưởng ngoại trừ sau này bệnh nhân sẽ mang một vết sẹo dài, dễ lộ sẹo khi mặc áo hở cổ.

Dù vậy, khi phải cân nhắc lựa chọn giữa tính mạng bệnh nhân và tính thẩm mỹ, các bác sĩ vẫn phải đặt hiệu quả điều trị bệnh lên hàng đầu. Với một ca mổ hở, bệnh nhân cần nằm theo dõi khoảng ba ngày. 

Làm cách nào phát hiện bất thường ở tuyến giáp?

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, có chức năng tiết, dự trữ, giải phóng hormone Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3). Tuyến giáp giữ chức năng điều hành quá trình trao đổi chất của cơ thể. Những bệnh lý tuyến giáp thường gặp là suy giáp, cường giáp, u lành tuyến giáp và ung thư tuyến giáp. 

Những dấu hiệu cảnh báo bị bệnh lý tuyến giáp là mệt mỏi, rụng tóc, tim đập nhanh, móng giòn dễ gãy, kinh nguyệt không đều, tăng hoặc sụt cân, nuốt nghẹn, ăn không thấy ngon miệng, mắt bị phù trũng…

Để chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp có thể dựa trên thăm khám về mặt lâm sàng, kết hợp các phương pháp cận lân sàng như xét nghiệm máu để xem chỉ số hoóc-môn tuyến giáp có ở ngưỡng bình thường không, siêu âm hoặc xạ hình tuyến giáp nếu nghi ngờ bất thường. 

Người dân nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp, từ đó can thiệp điều trị khi bệnh chưa tiến triển phức tạp. Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý tuyến giáp. Suy giáp thường do chế độ ăn thiếu i-ốt, cường giáp hay gặp nhất là do mắc bệnh Basedow. Mặt khác, những trường hợp sau khi điều trị suy giáp cũng đôi khi bị cường giáp bởi trước đó uống quá nhiều hoóc-môn tuyến giáp.

Còn một nguyên nhân gây ra cường giáp: bệnh nhân bị nhân giáp nóng (sản sinh thừa hoóc-môn tuyến giáp). Khi được phát hiện bị nhân tuyến giáp (hình thành khối u tuyến giáp), bệnh nhân sẽ được sinh thiết, chọc hút để xác định khối u là ác tính hay lành tính, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

Khi mắc bệnh lý tuyến giáp, người bệnh sẽ bị rối loạn chức năng sản xuất hoóc-môn tuyến giáp dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe (bệnh lý tim mạch, loãng xương…). Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi cường giáp có thể bị cơn bão giáp đe dọa tính mạng. Khối u tuyến giáp phát triển lớn chèn ép các cấu trúc xung quanh khiến người bệnh ăn uống khó, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Thanh Huyền 

Cùng chuyên mục

Bất cẩn, bé 4 tuổi bị máy xay sinh tố nghiền nát tay

Chất xơ là gì và tại sao cơ thể chúng ta cần nó

Miền Tây bùng phát sốt xuất huyết

Bộ Y tế đề nghị 9 bộ, ngành phát động chiến dịch tiêm vắc xin mũi 4 trong tháng 7

4 bài tập cho đôi mắt khỏe mạnh, dân văn phòng thường xuyên phải làm việc máy tính đừng bỏ qua!

Nếu trong thai kỳ tồn tại 3 tình trạng này thì có thể là thai nhi “chậm lớn”, mẹ bầu cần lưu ý

HIV đang “tấn công” khu công nghiệp

Tôi có phải đến bệnh viện để “tìm” dị vật… bị bỏ quên?

Hà Nội: Nhiều ca sốt xuất huyết nguy kịch sau khi trở về từ miền Nam

Ngày 29/6, số bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy tăng